Ngoài những tác dụng phụ chung gặp phải ở tất cả các bệnh nhân xạ trị như mệt mỏi, rụng tóc, thay đổi công thức máu,…với mỗi khu vực điều trị, bạn sẽ gặp phải một tác dụng phụ đặc biệt riêng.
Xạ trị vùng não
Người bị u não thường được xạ phẫu (phẫu thuật và xạ trị đồng thời) với liều lượng lớn tia xạ nếu khối u xuất hiện ở một hoặc một vài vị trí trong não. Nếu khối u xuất hiện ở nhiều vị trí, đôi khi phải xạ trị toàn não. Tác dụng phụ bệnh nhân gặp phải sẽ phụ thuộc vào vị trí mà bức xạ chiếu vào. Các tác dụng phụ đa phần xuất hiện sớm, nhưng cũng có thể xuất hiện rất muộn sau 1 – 2 năm sau điều trị.
Một số tác dụng phụ xuất hiện sớm hay gặp có thể kể đến như: đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, rụng tóc, suy giảm thính lực, trí nhớ kém, khó phát âm, thậm chí là co giật,…Tác dụng phụ và mức độ mà mỗi người gặp phải là khác nhau do đó hãy trao đổi chi tiết với bác sĩ để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Các tác dụng phụ xuất hiện muộn: mất trí nhớ, suy giảm chức năng não hoặc có triệu chứng giống đột quỵ có thể gặp phải sau khi đã kết thúc quá trình điều trị từ 6 tháng đến nhiều năm sau. Ngoài ra, số ít trường hợp có thể xuất hiện khối u khác tại khu vực xạ.
Xạ trị vùng đầu – cổ
Bệnh nhân xạ trị khu vực đầu – cổ thường gặp phải các tác dụng phụ như khô miệng, khó nuốt, thay đổi vị giác, đau nhức thậm chí viêm loét niêm mạc miệng, hầu họng, thực quản, đau tai, sâu răng, sưng nướu, rụng tóc, viêm da, cứng hàm thậm chí hoại tử xương hàm,…
Cách chăm sóc miệng
Để hạn chế và khắc phục tác dụng phụ đường miệng, bạn nên tham khảo và thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Ăn kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt, giữ ẩm niêm mạc miệng.
- Uống nước thường xuyên, mỗi lần một ngụm nhỏ giúp hạn chế khô miệng.
- Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc dung dịch baking soda ấm sau mỗi 1 – 2h (pha 1 thìa cà phê muối hoặc baking soda trong 1 lít nước ấm). Ngoài ra, bạn có thể nhờ bác sĩ điều trị của mình giới thiệu một loại nước súc miệng phù hợp và không tự ý dùng bất cứ thứ gì nếu chưa được sự cho phép của bác sĩ.
- Ăn các món ăn mềm, ẩm, dễ nuốt. Hạn chế tối đa các thức ăn thô và cứng như các loại hạt, bánh quy khô hoặc rau sống.
- Không dùng đồ uống hoặc thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Hạn chế đồ ăn có đường.
- Cuối cùng, hãy luôn thông báo với bác sĩ về bất cứ tác dụng phụ nào bạn gặp phải để có cách xử lý kịp thời.
Cách chăm sóc răng
Xạ trị khu vực miệng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng, đặc biệt khi bạn bị khô miệng do nước bọt có tính sát khuẩn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng răng miệng của mình và cân nhắc đi khám nha sĩ để tiến hành xử lý những chiếc răng hỏng trước bước vào xạ trị. Do trong quá trình điều trị, khô miệng có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh răng miệng của bạn và sẽ rất khó để can thiệp xử lý tình trạng này.
Ngoài ra trong quá trình xạ trị, những bệnh nhân sử dụng răng giả có thể đeo không vừa do nướu bị sưng và phải dừng đeo răng giả nếu chúng gây ra viêm loét niêm mạc nướu.
Tham khảo một số biện pháp sau để giảm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng:
- Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất 1 ngày 1 lần.
- Sử dụng kem đánh răng không chứa chất mài mòn.
- Súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch baking soda sau khi đánh răng (pha 1 thìa cà phê muối hoặc baking soda trong 1 lít nước ấm).
- Nếu bạn dùng chỉ nha khoa hay trao đổi với bác sĩ do việc dùng chỉ nha khoa có thể gây chảy máu răng miệng do lúc này nước rất nhạy cảm, dễ bị viêm có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bạn.
Xạ trị vùng vú
Xạ trị vùng vú có thể gây ra các tác dụng phụ sớm như kích ứng, thay đổi màu sắc da, đau nhức vùng vú hoặc sưng vú do phù bạch huyết,…Các tình trạng này đa phần sẽ chấm dứt sau 1 hoặc 2 tháng kết thúc xạ trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng vú do phù bạch huyết vẫn còn tiếp diễn cần phải báo với bác sĩ điều trị ngay.
Không nên mặc áo ngực do có thể gây kích ứng da hoặc thay áo ngực bằng áo lót bằng vải bông mềm, không gọng. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng cứng và khó cử động phần vai. Lúc này nên trao đổi với bác sĩ điều trị về các bài tập thư giãn phần vai.
Tác dụng phụ xuất hiện muộn có thể kể đến như thay đổi hình dạng, kích cỡ vú, kết cấu da vú có thể dày và săn hơn so với trước đây. Sau 1 năm kết thúc quá trình điều trị, vùng vú sẽ không còn bất cứ sự thay đổi nào nữa. Tuy nhiên, nếu những thay đổi này vẫn tiếp tục diễn ra sau 1 năm kết thúc xạ trị, bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị ngay.
Xem thêm: Tác dụng bất cứ bệnh nhân nào gặp phải trong quá trình xạ trị
Xạ trị vùng ngực
Xạ trị khu vực này có thể gây ra một số tác dụng phụ như: khó nuốt, ho, viêm da, loét niêm mạc, hụt hơi, chán ăn,…Nặng hơn, xạ trị vùng ngực có thể gây ra các biến chứng trên tim hoặc phổi.
Biến chứng trên tim
Bức xạ vùng ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nguy cơ này tăng dần theo liều lượng bức xạ và diện tích vùng chiếu xạ. Các biến chứng trên tim thường gặp trên tim: xơ vữa động mạch (có thể dẫn đến bệnh tim sau này), nhịp tim không đều hoặc ảnh hưởng đến van tim,…
Viêm phổi do phóng xạ
Biến chứng này thường xa ra sau 3 – 6 bắt đầu xạ trị, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử mắc những bệnh liên quan đến phổi khác.
Triệu chứng thường gặp:
- Khó thở, đặc biệt khu gắng sức.
- Ho, sốt
- Khạc ra đờm có màu hồng
- Đau nhức khoang ngực đặc biệt khi hít sâu
- Đôi khi viêm phổi diễn ra âm thầm không có triệu chứng, chỉ được phát hiện trên phim chụp X-quang.
Những triệu chứng này thường tự hết khi kết thúc điều trị. Nhưng nếu tình trạng nặng cần phải can thiệp, bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc chống viêm. Sau khi kết thúc quá trình điều trị thường không để lại hậu quả lâu dài nào. Tuy nhiên, đôi khi, triệu chứng viêm phổi vẫn tiếp diễn và dẫn đến xơ phổi (xơ cứng hoặc sẹo phổi) làm chức năng phổi sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn.
Xạ trị vùng bụng
Triệu chứng thường gặp khi xạ trị vùng này:
- Buồn nôn, nôn
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Táo bón
Khi gặp phải tình trạng trên, hãy xin ý kiến từ bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp.
Ngoài ra, điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh cũng góp phần giảm bớt tác dụng phụ trên như:
- Sử dụng thực phẩm sạch, thanh đạm (cháo, súp, nước trà, bánh mỳ,…)
- Không ăn rau sống, trái cây và thực phẩm có nhiều chất xơ nếu đang bị tiêu chảy.
- Không uống sữa hoặc sử dụng các sản phẩm từ sữa.
- Bổ sung Kali và các chất điện giải
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ để hạn chế gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Xem thêm: Những biện pháp giảm bớt chi phí trong quá trình xạ trị
Xạ trị vùng khung chậu
Xạ trị vùng khung chậu trong điều trị ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng, cổ tử cung có thể gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục, khả năng sinh sản và rối loạn chức năng bàng quang. Ngoài ra chúng cũng gây các tác dụng phụ tương tự như khi xạ trị vùng bụng: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón.
Rối loạn chức năng bàng quang
Vấn đề về bàng quang xuất hiện sớm trong quá trình xạ trị khung chậu bao gồm:
- Đau hoặc buốt khi đi tiểu
- Tiểu rắt, tiểu són
- Bí tiểu
- Có thể có máu trong nước tiểu
Những tác dụng phụ này sẽ giảm dần theo thời gian và tự hết khi quá trình điều trị kết thúc. Tuy nhiên, xạ trị cũng gây ra những tác dụng phụ lâu dài cho người bệnh như:
- Viêm bàng quang: Tia phóng gây tổn thương niêm mạc bàng quang lâu dần dẫn đến viêm bàng quang, tiểu ra máu và đau buốt khi đi tiểu.
- Tiểu không tự chủ: Bức xạ có thể ảnh hưởng đến trương lực cơ vòng bàng quang từ đó gây ra tiểu không tự chủ nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể điều trị hoặc khắc phục được.
- Rò bàng quang: Số ít trường hợp có thể hình thành lỗ mở thông giữa bàng quang và âm đạo hoặc bàng quang và trực tràng. Tuy nhiên, chúng có thể điều trị khỏi bằng phương pháp phẫu thuật.
Đời sống tình dục
Xạ trị vùng khung chậu có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục của bệnh nhân như giảm ham muốn cũng như giảm cảm giác hưng phấn khi quan hệ.
- Với nam giới: Xạ trị có thể ảnh hưởng đến khả năng cương dương và ham muốn của đàn ông do đó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tình dục. Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của mình. Đôi khi bạn sẽ phải chấp nhận dừng hoạt động tình dục để đảm bảo điều trị tốt nhất.
- Với nữ giới: Bệnh nhân nữ thường được khuyên không nên quan hệ tình dục trong quá trình điều trị. Xạ trị có thể gây khô, ngứa, rát, khô âm đạo và đau khi quan hệ. Đa số bệnh nhân có thể quan hệ trở lại sau một vài tuần kết thúc xạ trị nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước nhé. Rất ít trường hợp xạ trị gây ra sẹo, ảnh hưởng đến khả năng co dãn của âm đạo khi quan hệ. Nếu gặp phải trường hợp này, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm cách khắc phục.
Khả năng sinh sản
Nếu bạn có ý định sinh con, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của mình trước khi tham gia điều trị để nhận được lời khuyên phù hợp do tia xạ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Bệnh nhân có thể phải dùng những phương pháp bảo tồn sinh sản để đảm bảo có con sau điều trị.
- Với nữ giới: Bệnh nhân sẽ ngừng kinh nguyệt trong quá trình điều trị và có lại sau khi quá trình điều trị kết thúc hoặc có thể vĩnh viễn mất kinh. Do đó, bạn cần trao đổi thật rõ về mong muốn của mình với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị. Có thể, bạn cần tiến hành đông trữ trứng trước khi điều trị để đảm bảo có con sau này.
- Với nam giới: Xạ trị có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Tương tự với nữ giới, trao đổi mong muốn với bác sĩ trước khi điều trị và điều vô cùng cần thiết. Trữ đông tinh trùng là một lựa chọn an toàn trước khi bạn tiến hành điều trị.
Xem thêm: Điều trị ung thư ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản ở nữ giới?