Điều trị ung thư có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không là câu hỏi được rất nhiều phụ nữ quan tâm, đặc biệt là khi người bệnh đang ở độ tuổi sinh sản và muốn có con.
Nguy cơ bị ảnh hưởng của cơ quan sinh sản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:
- Khả năng sinh sản trước điều trị của bệnh nhân
- Độ tuổi
- Loại ung thư và các phương pháp điều trị
- Liệu trình phác đồ điều trị
- Tình trạng sức khỏe của mỗi người
Xem thêm: Tác dụng phụ mà bất cứ bệnh nhân nào cũng gặp phải trong quá trình điều trị
Trước khi điều trị, bạn cần chủ động trao đổi với bác sĩ về mong muốn và các thắc mắc của mình về vấn đề này. Sau đây là một số câu hỏi gợi ý khi bạn trao đổi với bác sĩ của mình:
- Liệu trình điều trị của tôi có làm tăng nguy cơ hoặc gây vô sinh hay không? Việc điều trị có thể gây khó khăn cho việc có thai hoặc mang thai trong tương lai không?
- Có phương pháp điều trị ung thư nào khác để không ảnh hưởng đến khả năng mang thai của tôi trong tương lai hay không?
- Có những phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản nào? Tôi nên lựa chọn phương pháp nào? Phương pháp nào có sẵn nào tại bệnh viện?
- Sau điều trị, mất bao lâu để tôi có thể mang thai được? Bác sĩ có thể nói rõ về khả năng mang thai của tôi sau điều trị hay không?
Các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản của nữ giới?
Hóa trị
Hóa trị (đặc biệt là hóa chất thuộc nhóm Alkyl hóa) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến buồng trứng, làm sản xuất trứng và giải phóng estrogen. Hiện tượng này được gọi là suy buồng trứng nguyên phát (POI). POI có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bệnh nhân có thể bị bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, khó chịu, khô âm đạo, kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh. Hóa trị cũng có thể làm giảm số lượng trứng khỏe mạnh trong buồng trứng. Nguy cơ vô sinh ở phụ nữ sau hóa trị tỉ lệ thuận với độ tuổi của bệnh nhân.
Xạ trị
Xạ trị vùng bụng hoặc vùng xương chậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản. Một số cơ quan như buồng trứng có thể được bảo vệ bằng phương pháp Che chắn bức xạ hoặc Hoán vị buồng trứng — một thủ thuật phẫu thuật di chuyển buồng trứng ra khỏi vùng bức xạ.
Xạ trị vùng não có thể gây hại cho tuyến yên – đóng vai trò rất quan trọng với khả năng sinh sản của phái nữ. Tuyến yên không chỉ trực tiếp tiết ra hormon kích thích quá trình rụng trứng mà còn gián tiếp gửi tín hiệu đến buồng trứng để kích thích sản xuất estrogen cần thiết cho quá trình này. Liều lượng bức xạ được sử dụng trong quá trình điều trị đóng vai trò quan trọng quyết định khả năng sinh sản có bị ảnh hưởng hay không.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cơ quan sinh sản, vùng xương chậu hoặc cột sống có thể gây hại đến các mô của cơ quan sinh sản hoặc để lại sẹo từ đó ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bệnh nhân. Với phương pháp này, kích thước và vị trí của khối u quyết định đến khả năng sinh sản của người bệnh.
Các phương pháp điều trị khác
Với các phương pháp khác như liệu pháp miễn dịch, liệu pháp điều trị đích, liệu pháp hormon,…trao đổi với bác sĩ về những điều thắc mắc và thông tin về các phương pháp được chỉ định là điều vô cùng cần thiết để bạn nắm chắc được ảnh hưởng của chúng đến khả năng mang thai của bạn.
Các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản
Đông lạnh trứng
Với phương pháp này, trứng được lấy ra khỏi buồng trứng và được cấp đông ngay sau đó để bảo quản. Khi bệnh nhân sẵn sàng để mang thai, trứng sẽ được rã đông, thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi và đặt vào tử cung của người phụ nữ. Đông lạnh trứng là một thủ thuật mới và hiện đại hơn so với đông lạnh phôi.
Đông lạnh phôi
Đông lạnh phôi là một thủ thuật trong đó trứng được lấy ra khỏi buồng trứng. Chúng sẽ được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi và cấp đông để sử dụng trong tương lai.
Đông lạnh mô buồng trứng (bảo quản lạnh mô buồng trứng)
Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lấy đi một phần mô chưa số lượng đủ các trứng chưa trưởng thành và sau đó cấp đông để bảo quản. Sau khi bệnh nhân đã hoàn thành xong điều trị ung thư và mong muốn có thai trở lại, mô sẽ được rã đông và đặt trở lại cơ thể người phụ nữ. Theo thống kê cho thấy có khoảng 30% cơ hội sinh con nếu bệnh nhân thực hiện phương pháp này do đây là một thủ thuật mới và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Che chắn buồng trứng
Với phương pháp này, một lá chắn bảo vệ làm bằng chì được đặt ở bên ngoài cơ thể, trên buồng trứng và các bộ phận khác của cơ quan sinh sản để che chắn chúng khỏi tia phóng xạ.
Hoán vị buồng trứng (còn gọi là oophoropexy)
Hoán bị buồn trứng là thủ thuật phẫu thuật di chuyển buồng trứng ra khỏi vùng nhận bức xạ. Thủ thuật này có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật để loại bỏ ung thư hoặc thông qua phẫu thuật nội soi.
Cắt cổ tử cung triệt để
Đây là phẫu thuật được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và muốn có con. Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ cổ tử cung và các hạch bạch huyết gần đó nhưng vẫn giữ nguyên tử cung. Tử cung sẽ được gắn vào phần còn lại của âm đạo bằng cổ tử cung nhân tạo.
Mỗi phương pháp sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Bệnh nhân cần trao đổi và hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị thật kỹ để lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất.