Xạ trị là sử dụng một chùm tia có năng lượng cao: tia gamma, tia X, các chùm tia điện tử, proton,….. chiếu vào vị trí khối u và tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách phá hủy ADN của chúng. Do đó, bên cạnh việc ảnh hưởng đến tế bào ung thư, tia xạ cũng gây hại với những tế bào lành trên đường đi của chúng và những mô, cơ quan xung quanh khu vực được xạ trị.
Tác dụng phụ gặp phải tùy thuộc vào vị trí và mức độ ung thư, liều lượng bức xạ cũng như thể trạng của bệnh nhân. Cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau với điều trị do đó một số người không có hoặc có rất ít tác dụng phụ, trong khi người khác lại gặp tác dụng phụ khá nghiêm trọng.
Tác dụng phụ của xạ trị xuất hiện khi nào?
Tác dụng phụ của xạ trị có thể xuất hiện sớm (trong hoặc ngay sau quá trình điều trị) hoặc cũng có thể xuất hiện muộn sau vài tháng thậm chí là vài năm.
- Tác dụng phụ xuất hiện sớm: Các tác dụng phụ xuất hiện sớm thường nhẹ, xuất hiện tại khu vực đang được xạ trị, có thể điều trị được và thường biến mất trong vòng vài tuần sau khi kết thúc điều trị. Một số tác dụng phụ xuất hiện sớm hay gặp như mệt mỏi và các vấn đề về da, niêm mạc.
- Tác dụng phụ xuất hiện muộn: Loại tác dụng phụ này có thể xuất hiện ở bất kỳ mô hoặc cơ quan bình thường nào trong cơ thể, thường nặng và khó điều trị hơn. Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ muộn phụ thuộc vào khu vực được điều trị cũng như liều lượng bức xạ đã sử dụng. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của mình và lập kế hoạch theo dõi để tránh gặp phải các tác dụng phụ này.
Tác dụng phụ kéo dài trong bao lâu?
Tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào liều lượng và liệu trình xạ trị của mỗi bệnh nhân. Đa số, các tác dụng phụ sẽ hết khi kết thúc quá trình điều trị từ vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, cũng có một số tác dụng phụ cần đến một vào năm mới trở về bình thường hoặc cũng có thể là tồn tại vĩnh viễn.
Xem thêm: Làm sao để giảm bớt chi phí xạ?
Các tác dụng phụ thường gặp trong xạ trị
Mệt mỏi
Mệt mỏi là tình trạng phổ biến của hầu hết các bệnh nhân ung thư đang xạ trị. Cảm giác mệt mỏi có thể do thể chất hoặc tinh thần. Cảm giác mệt mỏi do xạ trị khác với mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày và có thể không đỡ hơn khi bạn nghỉ ngơi. Do quá trình xạ trị bên cạnh việc tiêu diệt tế bào ung thư thì cũng ảnh hưởng đến các tế bào lành. Tuy nhiên, mệt mỏi sẽ biến mất sau một khoảng thời gian khi quá trình điều trị kết thúc.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng mệt mỏi diễn ra kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày hoặc khiến bạn không thể tập trung suy nghĩ hoặc ra khỏi giường.
Vấn đề về da
Đây là tác dụng phụ hay gặp nhất sau khi xạ trị. Da tại vị trí xạ có thể bị khô, ngứa, rát, sưng đỏ, phồng rộp, đau rát, sạm đen. Sau một vài tuần có thể ngứa, khô và bong tróc. Đây được gọi là viêm da do bức xạ. Trao đổi với bác sĩ điều trị của mình để nhận được lời khuyên.
Dưới đây là một số cách chăm sóc vùng da tổn thương do xạ trị bạn nên làm:
- Không mặc quần áo chật, bó sát, làm bằng chất liệu vài cứng và thô tại vùng da đang xạ trị sẽ gây bí, chà sát, làm xây xước vùng da nhạy cảm này và có thể làm nặng thêm tình trạng viêm da. Thay vào đó, hãy chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu mềm và thoáng khí nhé.
- Không chà xát, gãi hoặc sử dụng băng dán trên vùng da xạ trị. Nếu cần thiết phải băng hãy sử dụng băng chuyên dùng cho làn da nhạy cảm và không nên dán băng vào cùng một chỗ mỗi lần có thể gây bí da và nặng thêm tình trạng viêm da.
- Không tự ý chườm nóng hoặc chườm lạnh trên khu vực da xạ trị. Nước nóng cũng có thể làm tổn thương làn da, vì vậy chỉ nên sử dụng nước ấm để làm sạch vùng da này theo hướng dân của bác sĩ điều trị.
- Tránh để vùng da xạ trị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Hãy che vùng da này bằng quần áo tối màu hoặc quần áo có tác dụng chống tia cực tím khi ra ngoài. Trao đổi với bác sĩ của bạn về việc dùng kem chống nắng. Nếu có thể, hãy dùng các kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 30 trở lên, và thường xuyên bôi lại kem chống nắng. Kể cả sau khi quá trình điều trị kết thúc cũng vẫn cần bảo vệ vùng da này trước ánh nắng Mặt trời nhé.
- Chỉ nên vệ sinh vùng da xạ trị bằng nước ấm và xà phòng nhẹ dịu, không kỳ cọ hoặc chà xát vùng da này. Đặc biệt, không được làm mờ đi vết mực đánh dấu vị trí cần xạ trên da.
- Hỏi bác sĩ điều trị trước khi dùng bất cứ thứ gì trên vùng da điều trị như kem, phấn, nước hoa, kem tẩy lông, các biện pháp giảm bớt tác dụng phụ tại nhà hoặc kể cả kem, dao cạo râu. Những sản phẩm này có thể gây kích ứng và/hoặc ảnh hưởng đến liều lượng tia bức xạ đi vào cơ thể.
Rụng tóc
Xạ trị có thể làm mỏng hoặc rụng lông/tóc tại khu vực được điều trị. Nếu bạn đang xạ trị vùng đầu, có thể rụng một phần hoặc toàn bộ tóc (bao gồm cả lông mi và lông mày). Khi kết thúc quá trình điều trị, tóc và lông sẽ mọc lại tuy nhiên có thể sẽ mỏng hơn hoặc có kết cấu khác với trước đây.
Khi rụng tóc làm lộ da đầu, hãy che chắn bảo vệ da đầu bằng mũ hoặc khăn khi ra nắng. Bạn có thể dùng tóc giả tuy nhiên phải đảm bảo rằng lớp lót tiếp xúc với da đầu không gây kích ứng cho da.
Thay đổi về công thức máu
Các tế bào máu giúp chống lại nhiễm trùng và tiểu cầu giúp ngăn ngừa chảy máu. Xạ trị ít khi gây ra thay đổi công thức máu. Tuy nhiên, trong trường hợp xét nghiệm thấy có thay đổi về công thức máu, việc xạ trị phải dừng lại ít nhất là 1 tuần để công thức máu của bạn trở về bình thường. Tác dụng phụ này thường gặp hơn ở những bệnh nhân điều trị có kết hợp với hóa trị đi kèm.