Giữa lòng phố phường đông đúc huyên náo của Hà Nội là một nơi tĩnh mịch, mang không khí buồn bã – Bệnh viện K3. Trong số những bệnh nhân đang thăm khám và điều trị tại bệnh viện, cơ duyên nào đó đưa chúng tôi gặp và trò chuyện với chú. Chú Nguyễn Văn Hùng, 54 tuổi, người đàn ông mang trong mình căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn III.
Chú kết hôn muộn nên con lớn của chú năm nay mới chỉ 21 tuổi, vẫn đang học đại học. Con út đang học lớp 11. Gánh nặng tài chính đè nặng lên đôi vai gầy của chú. Cuộc sống mưu sinh vẫn còn quá nhiều lo toan, bộn bề thì trong một lần khám bệnh do thường xuyên bị ù tai, chú nhận được một tin tức ác mộng: ung thư vòm họng giai đoạn III. Chú tâm sự :”Lúc biết tin ai cũng suy sụp cháu ạ. Nhưng biết sao được, có đau buồn thì cũng đâu giải quyết được gì. Con người sống chết có số. Mình cũng phải nhanh nhanh vượt qua để mà điều trị, vẫn còn hy vọng cứu chữa thì mình phải nắm bắt. Còn nước còn tát, đằng sau chú vẫn còn gia đình, con cái nữa cháu ạ”.
Cuộc hành trình chữa trị bắt đầu và không hề dễ dàng với chú. Cũng như đa số bệnh nhân ung thư khác, chú Hùng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xoay quanh quá trình thăm khám và điều trị. Trước tiên là chi phí và nơi ăn chốn ở hằng ngày. Một phòng trọ bình dân quanh bệnh viện có giá dao động động từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày. Để tìm được phòng trọ sạch sẽ, yên tĩnh với giá bình dân rất khó. Vợ chồng chú khó khăn lắm mới được ăn phòng giá rẻ, tuy ọp ẹp nhưng sạch sẽ để trú chân trong hành trình điều trị. Do chi phí ăn ngoài rất tốn kém, dao động từ 30.000 – 35.000/bữa với cơm bình dân nhưng đôi khi chưa đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh. Vợ chồng chú quyết định mua thêm một bếp ga mini, nồi cơm điện và mang gạo lên để tự nấu ăn hằng ngày tiết kiệm chi phí.
Chú Hùng không còn là trụ cột của gia đình, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè lên đôi vai của vợ chú. Cô phải về quê làm thêm rất nhiều công việc để lo toan được cho các con và chi phí điều trị cho chú trên này. Chú Hùng một thân một mình ở lại Hà Nội lạ lẫm để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác này.
Phác đồ điều trị của chú là hóa xạ đồng thời. Ngày nào cũng vậy, những hôm có lịch truyền hóa chất, từ sáng sớm, chú phải đi từ chỗ trọ lên bệnh viện để đợi truyền hóa chất rồi chiều lại tiến hành xạ trị. Mới đầu việc điều trị diễn ra rất suôn sẻ, lâu dần mới phát sinh thêm nhiều vấn đề khác như tác dụng phụ, các loại chi phí khiến chú rất bế tắc.
Mỗi lần truyền hóa chất xong là chú buồn nôn, mệt, không ăn uống được gì. Cảm giác buồn nôn kéo dài đến vài ngày sau đó khiến chú không thể ăn uống được gì. Chú tâm sự :”Cứ ngửi mùi thức ăn là buồn nôn. Đêm đầu tiên chú nôn suốt đêm không ngủ được. Mệt lắm cháu ạ. Còn mỗi lần xạ trị xong thì vùng da được xạ bắt đầu đau rát, sưng đỏ, lâu dần khô ngứa, tróc vảy rất khó chịu. Nhưng cũng may được bác sĩ kê cho lọ kem bôi màu vàng vàng thì thấy đỡ đi nhiều. Cứ xạ về là chú bôi, cảm giác dịu mát ngay. Mình cứ phải cố gắng thôi cháu ạ. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn cũng tủi nhưng mà nhìn lại mình vẫn còn hơn rất nhiều người. Có những bệnh nhân bệnh nặng hơn chú nhiều mà cũng một thân một mình điều trị ở đây. Miếng cơm không biết mà ăn”.
Chú Hùng cũng giống như tất cả các bệnh nhân ung thư khác đang điều trị ở đây, hy vọng và hy vọng mỗi ngày. Hy vọng phác đồ điều trị đem hiệu quả tốt, hy vọng bản thân chiến thắng bệnh ung thư, hy vọng có thêm nhiều thời gian ở bên người gia đình và những người thân yêu. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và tác dụng phụ trong quá trình điều trị, chú vẫn luôn duy trì tinh thần tích cực và lạc quan. Chú tin rằng bản thân có thể chiến thắng bệnh ung thư, không chỉ để bảo vệ gia đình mình mà còn để truyền cảm hứng cho những người có cảnh ngộ tương tự.
Nhìn bóng lưng của chú cũng giống như người cha người chú của mình, bỗng trong lòng dâng lên cảm xúc gì đó rất khó tả, vừa thương vừa buồn vừa cảm phục tinh thần tích cực, lạc quan của chú. Cầu chúc cho chú và tất cả bệnh nhân ung thư sẽ sớm vượt qua bạo bệnh để trở về với cuộc sống thường ngày.