Hóa trị và xạ trị là hai phương pháp chính điều trị ung thư hiện nay. Hai phương pháp này có thể được chỉ định riêng lẻ, đồng thời hoặc phối hợp cùng với phẫu thuật.
Để giúp bạn chủ động lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với mình, Antican sẽ giải thích sự khác biệt giữa hóa trị và xạ trị và giải quyết các câu hỏi phổ biến mà bệnh nhân thường gặp.
Hóa trị khác gì với xạ trị?
Khác biệt về cơ chế tác dụng
Cả hóa trị và xạ trị đều được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư, cũng như thu nhỏ kích thước hoặc làm chậm sự di căn căn của khối u. Tuy nhiên, cơ chế tác dụng và cách thực hiện trong hóa trị và xạ trị là khác nhau.
Hóa trị nhắm vào các tế bào ung thư trong khắp cơ thể bằng cách dùng thuốc gây độc tế bào tiêm/truyền tĩnh mạch hoặc uống. Những hóa chất này theo dòng màu đi khắp cơ thể tiêu diệt các tế bào phân chia nhanh chóng bằng cách nhắm vào các điểm cụ thể trong chu kỳ sao chép và phân chia của chúng. Tuy nhiên, những tế bào lành trong cơ thể có chu kỳ phân chia nhanh như tế bào da, tóc, các tế bào đường tiêu hóa cũng chịu ảnh hưởng lớn từ hóa trị. Đây là nguyên nhân chính gây ra tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao (như tia X hoặc proton) để nhắm và tiêu diệt các tế bào ung thư tại khối u ở vị trí cụ thể. Bức xạ phá vỡ DNA của tế bào ung thư, trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến suy giảm sự phân chia tế bào mới và chết tế bào. Xạ trị chỉ mất vài giây đến vài phút và thường không gây đau đớn. Tác dụng phụ liên quan đến xạ trị rất khác nhau, nhưng không giống như hóa trị, tác dụng thường chỉ giới hạn ở vùng cơ thể được điều trị.
Khác biệt về tác dụng phụ
Sự khác biệt lớn nhất về tác dụng phụ của hai phương pháp này là xạ trị là phương pháp điều trị cục bộ nên chỉ ảnh hưởng đến những bộ phận quanh khu vực bị chiếu xạ còn hóa trị là phương pháp điều trị toàn thân do đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
Tác dụng phụ thường gặp của hóa trị
- Mệt mỏi: Hóa trị gây độc với các tế bào khắp cơ thể, tiêu hao nhiều năng lượng dẫn đến mệt mỏi cho bệnh nhân.
- Rụng tóc: Hóa trị gây ảnh hưởng nhiều đến các tế bào có tốc độ phân chia nhanh như da và tóc. Do đó, rụng tóc là tình trạng hay gặp ở tất cả cả bệnh nhân ung thư điều trị hóa trị.
- Buồn nôn, nôn: Gần như 100% bệnh nhân đang điều trị hóa chất đều gặp tác dụng phụ buồn nôn và/hoặc nôn.
- Thay đổi công thức máu: Tế bào máu là một trong những tế bào phân chia nhanh của cơ thể do đó chúng cũng là một trong những tế bào chịu ảnh hưởng xấu của hóa chất. Bệnh nhân đang điều trị hóa chất thường giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Số lượng hồng cầu thấp sẽ gây ra mệt mỏi, số lượng tiểu cầu thấp dẫn đến dễ bị bầm tím và chảy máu, số lượng bạch cầu thấp có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.
Các bệnh nhân điều trị hóa chất phải kiểm tra công thức thường xuyên, đều đặn trong suốt quá trình điều trị. Nếu có sự thay đổi công thức máu, bệnh nhân phải ngừng dùng hóa chất đến khi công thức máu trở lại bình thường.
Tác dụng phụ thường gặp của xạ trị
- Viêm da: Vùng da tại khu vực được chiếu xạ có thể khô, sưng, đỏ, rát và phồng rộp, mang lại nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Tình trạng viêm da phụ thuộc nhiều vào liều lượng, tần suất xạ, cơ địa và tình trạng bệnh của bệnh nhân.
- Mệt mỏi và cứng khớp: Một số bệnh nhân xạ có biểu hiện khô cứng khớp kèm mệt mỏi, tuy nhiên tác dụng phụ này thường xuất hiện khá muộn.
Tác dụng phụ của hóa xạ trị kết hợp
Việc kết hợp hóa và xạ trị trong điều trị giúp làm tăng hiệu quả điều trị, có thể làm tăng/giảm tác dụng phụ gặp phải. Việc kết hợp cả hóa và xạ trị có thể gây ra mệt mỏi nhiều, rụng tóc, sạm da, đau nhức cơ thể, buồn nôn/nôn, khô miệng và viêm loét niêm mạc miệng, đường tiêu hóa.
Hóa trị và xạ trị cái nào tốt hơn?
Thật khó để so sánh hóa trị và xạ trị cái nào tốt hơn. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp trên những đối tượng bệnh nhân khác nhau, tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và thể trạng bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán.
Bác sĩ điều trị sẽ là người tư vấn và quyết định phương pháp nào là phù hợp với bệnh nhân. Bệnh nhân và người nhà cần tìm hiểu và nắm chắc thông tin về phương pháp điều trị của mình để có sự chuẩn bị tốt nhất.